Bé sinh ra không mang vi khuẩn sâu răng. Vi khuẩn gây sâu răng là do chính cha mẹ và người chăm sóc bé lây nhiễm qua cho bé. Con đường lây nhiễm chính là từ miệng qua miệng. Ví dụ: cha mẹ thường xuyên cắn thức ăn bằng miệng cho nhỏ ra cho bé ăn, nếm thức ăn thử xem nóng hay lạnh, thổi thức ăn. Đó là những cách mà vi khuẩn từ miệng cha mẹ truyền sang cho bé. Cha mẹ hãy lưu ý các nguyên tắc phòng ngừa sâu răng cho trẻ để giúp trẻ khỏe mạnh và nụ cười rạng rỡ nhé.
Nguyên tắc phòng ngừa sâu răng cho trẻ?
1. ĐÁNH RĂNG CHO BÉ: Nếu bé chưa mọc răng thì có thể dùng miếng vải để vệ sinh nướu cho bé. Khi bé bắt đầu có cái răng đầu tiên là nên nghĩ ngay đến đánh răng ngày 2 lần cho bé. Xem cách chọn kem và cách đánh răng.
2. Cha mẹ nên hạn chế con đường nhiễm vi khuẩn từ miệng sang miệng như: không nên dùng miệng làm nhỏ thức ăn của bé, nên dùng muỗng nĩa để xé và nghiền nhỏ.
3. Khi răng đầu tiên xuất hiện, cha mẹ nên thường xuyên nâng môi bé lên để kiểm tra dấu hiệu bất thường trên răng.
4. Hạn chế nước ép trái cây cho bé dưới 1 tuổi, không nên dùng thường xuyên, giới hạn dưới 80ml/ngày, tuần không quá 3 ngày. Trẻ 1-6 tuổi, giới hạn dưới 110-160ml/ngày, tuần không quá 4 ngày.
5. Các loại bánh kẹo có đường, gồm sô-cô-la và bánh ăn dặm có đường không nên giới thiệu cho bé dưới 1 tuổi. Cha mẹ cũng nên nói điều này cho bạn bè và các thành viên gia đình không nên cho quà bánh cho bé khi đến chơi. Không giới thiệu nước ngọt cho bé.
6. Sau 1 tuổi, bé nên tập uống sữa, nước ép, bằng ống hút hoặc bằng ly, không nên tiếp tục dùng bình cho bé uống. Không cho bé bú bình khi bé đã ngủ, nên ngắt bình khi bé còn thức.
Câu hỏi thường gặp: Răng bé có đốm trắng có phải do thiếu canxi?
Thông thường là không liên quan đến thiếu hụt canxi. Thực tế các mảng trắng này liên quan đến giai đoạn đầu của quá trình sâu răng. Nếu không được chữa trị, sẽ phát triển nhanh thành dạng sâu răng. Răng của bé sẽ bị hủy hoại. Bé có sự phát triển nhanh của vi khuẩn sâu răng làm Độ kiềm acid (pH) trong môi trường miệng của bé thay đổi, gây thay đổi vị giác của bé, góp phần vào sự biếng ăn cũng như kén chỉ ăn 1 vài loại thức ăn nhất định.