Nói dối hoặc không trung thực (hoặc thường đổ lỗi cho người khác) là một trong những tính xấu của con người. Điều đáng buồn là, tính cách này là một trong những tính cách các bé học rất nhanh từ độ tuổi rất sớm, và nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức đúng và sai của bé sau 4 tuổi. Vậy: Bé bao nhiêu tuổi là bắt đầu học nói dối? Điều gì làm bé hình thành tính cách này? Cha mẹ cần làm gì để giúp bé là người trung thực?
NÓI DỐI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN NÃO BỘ
Từ 1 tuổi – 4 tuổi: bé không phân biệt được sự thật và không thật, não không đủ phân tích để tiên đoán sự việc nếu sai hay đúng. Do đó, bé hoàn toàn học tính cách nói dối từ tình huống của cha mẹ và người chăm sóc bé. Giáo sư Debbie, Trung tâm Giáo dục Trẻ nhỏ, Canada khuyên: cha mẹ không nên tạo 1 tình huống không thật hoặc nhân vật ảo trước mặt bé chỉ nhằm gây chú ý bé, điều này làm bé học được hành vi nói dối vô thức.
VD: cha mẹ hoặc ông bà thường hay nói: “Cái ghế này làm cu bin ngã nè, đánh cái ghế nè” khi muốn gây chú ý bé hoặc dụ bé ăn hoặc không khóc. Điều này là hoàn toàn sai, vì đây là cách vô tình cha mẹ làm bé học tính cách nói dối vô thức, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ bình thường của bé.
Từ sau 4 tuổi: Não bé bắt đầu hiểu sự việc đúng và sai. Hơn nữa bé cũng tự tiên đoán hậu quả xảy ra với bé nếu bé không nói dối. Các hình thức phạt bé, đánh bé là không nên làm vì làm nhiều bé học việc dự đoán tình huống, cái mà làm bé tiếp tục nói dối cho các lần sau để không bị phạt hoặc bị đánh.
CHA MẸ LÀM GÌ ĐỂ BÉ BỎ THÓI QUEN NÓI DỐI?
* Đừng bao giờ gây chú ý cho bé bằng cách đổ lỗi cho người khác hoặc 1 sự vật tưởng tượng nào đó.
* Khi biết bé nói dối, bạn hãy giải thích cho bé về hậu quả của nói dối, và bạn cho bé thấy rằng bạn không hài lòng bé nói dối và nhắc bé là nên nói thật với bạn cho lần sau, nhưng không nên phạt hoặc mắng bé thái quá.
* Khi bé qua 1 tuổi, tìm những quyển sách nói về các tình huống hoặc câu chuyện về nói thật và nói dối, đọc sách cho bé nghe trước khi ngủ, thậm chí kèm hỏi những câu hỏi mang tính chất xây dựng như: “Con nghĩ bạn nào đang nói dối? Bạn rùa hay bạn hươu?”.
LÀM SAO GIÚP BÉ NÓI XIN LỖI KHI BÉ ĐÃ NÓI DỐI?
Xin lỗi cha mẹ hoặc một ai đó khi bé đã lỡ nói dối với ai đó là một điều cần thiết và quan trọng hơn cả hình phạt cho bé. Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến việc làm sao la mắng hoặc phạt bé, nhưng bỏ quên lời xin lỗi của bé. Trên thực tế, không nhất thiết phạt hay la mắng bé, chỉ cần giúp bé nói lời xin lỗi thì bé sẽ luôn là người trung thực cho các lần sau.
Khi bé lớn hơn, bé làm sai hay nói dối. Ngay thời điềm bạn phát hiện bé nói dối. Nên dẫn bé vào 1 phòng riêng (không dạy dỗ hay la mắng bé trước mặt người khác – đặc biệt các bé khác cùng tuổi), để bé và bạn ngồi yên trong 5 phút (điều này sẽ làm bạn bình tĩnh hơn) và sau đó nói với bé là bạn đã biết điều bé làm và bé cần nói thật với bạn, và giải thích với bé tác hại của việc nói dối. Nên yêu cầu bé nói lời xin lỗi bạn hoặc người mà bé nói dối. Lời xin lỗi mà bé nói ra được là bé đã trở thành người biết nhận thức sai và đúng tốt, bé sẽ không tái phạm và sẽ là người trung thực về sau.
Khi bé nói lời xin lỗi, bạn nên vui vẻ và khích lệ bé, cử chỉ giao tiếp nên làm là “ngồi gần bé hơn hoặc ôm bé vào người bạn và nói rằng “con mẹ đã trưởng thành rồi vì con đã nhận ra được lỗi sai, mẹ rất tự hào về con.”
Tuổi càng nhỏ, càng dễ dạy bé cách xin lỗi. Do đó, nên dạy bé điều này càng sớm càng tốt, đừng đợi bé lớn rồi hãy dạy là một quan điệm sai lầm vì cơ bản não bộ của bé phát triển rất nhanh và bé học thói hư tật xấu nhanh hơn chúng ta nghĩ.
Nguồn: Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn