Việc theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị khi bà bầu bị sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng, đặc biệt là mang thai những tháng cuối. Bởi tình trạng tiểu cầu hạ do sốt xuất huyết rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai, có thể đe dọa đẻ non, gây ra tình trạng chảy máu và rối loạn đông máu nhất là khi sinh nở.
“Vì thế, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết luôn được khuyến nghị đến bệnh viện để được theo dõi chặt công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận,.. cũng như tình trạng của thai nhi hàng ngày để xem có dấu hiệu: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không”.
Trong quá trình điều trị bà bầu bị sốt xuất huyết cũng cần thận trọng khi chỉ định dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh,…) vì những ảnh hưởng của thuốc đối với thai. Bà bầu nên bù nước, tăng cường nước ép trái cây, chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt. Đặc biệt, thai phụ không tự ý mua thuốc để uống, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Để phòng chống tốt và hiệu quả nhất, đó là sự chủ động trong việc diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt, cụ thể:
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
– Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi… Lưu ý cần tránh để mẹ bầu tiếp xúc trực tiếp với hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.