Nhiều cha mẹ băn khoăn liệu trẻ có biết lúc nào bé thức không? Tại sao có những bé rất khó ngủ? Nhưng lại có những bé ngủ lâu và khó gọi dậy? Có những bé hay cựa quậy, hay thức giấc hay khóc hoảng khi ngủ? Liệu có liên quan gì đến dinh dưỡng thiếu hụt nào không? Các bé là khác nhau, sự chênh lệch 1-2 giờ so với tổng thời gian ngủ trung bình là bình thường, thậm chí có bé không ngủ giấc dài mà chia làm nhiều giấc ngắn, nhưng tổng thời ngủ vẫn đủ thì không có vấn đề nào phải lo lắng.
Đừng so sánh giấc ngủ của bé này với bé kia vì sự phát triển não bộ là khác nhau, và năng lượng sử dụng trong ngày cũng khác nhau, đặc biệt là các bé từ 1 tuổi trở lên. Cụ thể về tổng thời gian ngủ trung bình của bé theo độ tuổi như sau:
BÉ MỚI SINH – 1 THÁNG TUỔI:
Tổng thời gian ngủ từ 18 giờ/24 giờ.
Rất nhiều giấc ngủ ngắn từ 30 phút -4 giờ
Có thể tự thức sau 2 tiếng hoặc ít hơn
ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ & NGUY CƠ: Một số bé ngủ lâu hơn 2 tiếng. Tuy nhiên, cha mẹ nên đánh thức bé để bé bú khi bé ngủ tầm 2-3 tiếng vì thường các bé sẽ dễ mất bình tĩnh hoặc dễ bị biếng bú nếu mẹ quên gọi bé dậy bú quá 4-6 tiếng.
Bé không phân biệt ngày đêm, giấc ngủ ban ngày và đêm là như nhau. Đôi lúc bé ngủ ngày nhiều hơn đêm, thức đêm nhiều hơn. Đa phần bé thức đêm vì cần bú hoặc cần âu yếm .
ĐIỀU CHA MẸ THƯỜNG LO LẮNG?
Cha mẹ thường lo lắng bé bú không đủ sữa. Lo lắng này là đúng vì một số bé không thể tự thức sau 2-3 giờ ngủ, đặc biệt các bé sinh non hoặc thiếu cân. Cha mẹ có thể tạo lịch trình cho bé như: đánh thức nhẹ nhàng bé khi bé quá 2-3 tiếng, để cho bé dậy bú.
Cách đánh thức: Dùng 1 trong 3 cách sau. Cách 1 dùng trước. Nếu thất bại thì dùng cách 2 hoặc 3.
CÁCH 1: Bước vào phòng, gần bé, để ngực trần, để hơi sữa mẹ dẫn dụ bé (đối với bé bú mẹ hoàn toàn)
Bước vào phòng, dùng tay kéo nhẹ chăn đắp của bé, để bé tự thức (đối với bé bú bình).
CÁCH 2: Dùng tay khẩy nhẹ lên má bé và dùng mũi bạn đụng nhẹ nhiều lần trên mũi và má bé (Dùng cả bé bú mẹ hoặc bú bình)
CÁCH 3: Dùng tay mở vớ bé ra, xoa nhẹ lòng bàn chân bé và bàn tay bé. Có thể bế bé nhẹ nhàng hoặc thay đổi vị trí bé nếu bạn xoa nhưng bé vẫn không thức.
3 CÁCH trên sẽ giúp giảm bớt những tình huống bé cáu kỉnh khi trong trạng thái ngủ mà chuyển sang trạng thái thức đột ngột. Thần kinh não bộ bé chưa hoàn chỉnh để nhận thức ngày đêm, nên việc cáu kỉnh có thể làm bé biếng bú và từ chối ti mẹ hoặc bình là chuyện rất thường xảy ra nếu cha mẹ gọi bé dậy không đúng.
BÉ 2-6 THÁNG TUỔI:
Tổng thời gian ngủ từ 14-16 giờ/ 24 giờ
2-3 giấc ngủ ngắn từ 30 phút -3 giờ/giấc
Sau 3 tháng bé ngủ giấc ngắn nhiều hơn.
ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ: Bé thường thức nhiều hơn vào đêm, cựa quậy nhiều từ 3 tháng tuổi, có thể biếng bú hoặc chỉ bú lúc ngủ.
Có thể có giấc ngủ dài hơn vào đêm, nhưng vẫn thức đòi bú trong đêm.
ĐIỀU CHA MẸ THƯỜNG LO LẮNG? Cha mẹ thường lo lắng bé hay cựa quậy khó ngủ có liên quan gì đến thiếu canxi hay vitamin nào đó. Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn cho biết không thấy mối liên hệ nào ở đây giữa thiếu vi chất dinh dưỡng và giấc ngủ. Nếu có, có thể bé thiếu năng lượng do bú không đủ trong lần bú trước. Cha mẹ nên nhớ: giấc ngủ bé trong giai đoạn này là khác giai đoạn trước, bé phát triển não bộ và bắt đầu ghi nhận hình ảnh, một phần hình ảnh mà bé đã ghi nhận khi bé thức làm bé khó đi vào giấc ngủ hoặc khi ngủ làm bé muốn thức. Cựa quậy, khó ngủ là biểu hiện bình thường ở độ tuổi này. Chứ không phải liên quan thiếu hụt canxi hay vi chất nào. Nếu cần đánh giá về thiếu vi chất ở trẻ, cha mẹ nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng để đánh giá tốt hơn, thay vì chỉ nhìn vào giấc ngủ.
CHA MẸ ĐƯỢC KHUYÊN GÌ? Cha mẹ có thể tập một giờ ngủ cho bé khi bé 3 tháng tuổi. Ví dụ, mấy giờ thì bắt đầu cho bé vào phòng ngủ và cho bé bú.
Nếu cha mẹ nhận thấy giấc ngủ bé bất thường như: thường khóc lớn nhiều 2-3 lần trong đêm hoặc bé có hơi thở không đều sau khi thức, bé bỏ bú sau khi thức mặc dù mẹ nổ lực cho bé bú, hoặc bé khóc mà không rõ nguyên nhân. Nên tư vấn chuyên gia sức khỏe để biết thêm về tình trạng bé.
Nếu bé chỉ cựa quậy hoặc khóc nhẹ hoặc rên rỉ, bạn chỉ cần âu yếm bé hoặc cho bé bú lại thì mọi chuyện đâu vào đấy. Cha mẹ hãy tự tin rằng: bé bú đủ sữa mẹ hoặc sữa bình trong giai đoạn này thì không thể thiếu vi chất, trừ vitamin D. Có thể bổ sung vitamin D cho bé theo liều dự phòng 300IU/ngày là được.
BÉ 6-11 THÁNG TUỔI:
Thời gian ngủ trung bình từ 11-14 giờ/ 24 giờ
2 giấc ngắn: 30 phút -2 giờ/giấc
BÉ 12 THÁNG TUỔI:
Thời gian ngủ trung bình từ 10-13 giờ/24 giờ
1-2 giấc ngủ ngắn từ 30 phút -2 giờ
BÉ 1-3 TUỔI:
Tổng thời gian ngủ trung bình từ 11-13 giờ/24 giờ.
1-1.5 tuổi sẽ có giấc ngủ ngắn ban ngày (sáng và trưa) tầm 1.5-3 tiếng
Từ 21 tháng tuổi: trẻ có thể có 2 giấc rõ rệt: mỗi giấc có thể < 1.5 giờ.
ĐIỀU CHA MẸ HAY LO LẮNG? Đôi lúc bé hay khóc hoặc khó ngủ. Độ tuổi này bé có nhiều cái để học và nhớ. Cha mẹ cũng nên nhớ, độ tuổi này bé rất dễ thay đổi về tâm lý. Có bé sẽ lầm lì chỉ nói vài câu, có bé thì nói luyên thuyên và hoạt động không ngừng. Giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển não bộ nhanh trong giai đoạn này.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
Tạo môi trường ngủ yên tĩnh cho bé. Không giới thiệu thiết bị điện tử cho bé trước 2 tuổi, hoặc không để các thiết bị điện tử như điện thoại, TV, Ipad trong phòng ngủ của bé hoặc chơi với các thiết bị này trước 2 giờ đi ngủ.
Tạo thói quen vào giường ngủ, đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe.
Tạo thói quen chúc bé ngủ ngon, hôn má bé và nói với bé rằng: chúc con ngủ ngon, gặp con vào bữa sáng nhé. Nếu bé cảm thấy sợ bóng tối khi ngủ thì cha mẹ có thể lắp đèn mờ, có chụp đèn lớn, không dùng bóng đèn tròn, không để các vật dụng có hình thù to quanh giường bé. Một cách khác, cha mẹ có thể nằm với bé đến khi bé ngủ, và thăm bé 2-3 lần trong đêm để kiểm tra giấc ngủ của bé. Việc thăm bé là cần thiết đối với các bé bị tâm lý sợ bóng tối vì đôi lúc trong đêm bé thường thu mình lại và đối phó với nó một mình, làm tình trạng thêm phức tạp, khó điều trị.
Nguồn Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn