Hải sản tươi sống như cua, mực, ngao, sò là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý 6 mẹo chọn mua hải sản tươi sống để đảm bảo sức khỏe cho gia đình cũng như tránh lãng phí nhé.
1. Nhìn yếm chọn cua:
Cua yếm nhỏ như hình chữ Y là cua đực, có nhiều thịt. Cua có yếm to, bao trùm gần hết phần bụng cua là cua cái. Do Cua đực không bao giờ có gạch, vì thế cùng một khối lượng, con cua đực luôn có nhiều thịt hơn cua cái. Ngoài ra, muốn chọn cua thịt chắc và tươi ngon, bạn nên dùng tay ấn nhẹ vào yếm cua, nếu thấy hơi mềm là cua mọng nước, thịt bở, ít thịt, không ngon. Nếu nhấn vào yếm cua thấy rắn chắc tức là cua ngon và nhiều thịt.
2. Thời điểm cua ghẹ ngon nhất:
Thịt cua ghẹ ngon phụ thuộc nhiều vào thủy triều. Những ngày cuối tháng hoặc đầu tháng luôn là thời điểm cua ghẹ ngon béo và chắc thịt nhất. Giữa tháng âm lịch, thịt cua ghẹ thường không ngondo đây là thời điểm cua ghẹ đang lột vỏ, chúng thường nhịn ăn nên ốp, ít thịt và ăn không ngon.
3. Cách bảo quản để cua ghẹ tươi sống được lâu nhất:
Bảo quản đúng cách, bạn có thể giữ cua ghẹ tươi sống được khoảng 3-4 ngày. Nếu cần mua để lâu thì khi mua, bạn nên chọn con thật tươi, yếm vẫn còn bám chắc vào thân, càng và chân cua cử động linh hoạt, các gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên. Khi chọn được cua tươi sống, bạn có thể giữ cua sống được vài ngày và có thể mang đi xa. Để giữ cua tươi sống, tuyệt đối không được cho cua vào đá, vì khi tiếp xúc với đá, cua sẽ chết cóng và rụng chân, càng. Cách bảo quản cua tốt nhất là dùng bẹ chuối để kẹp cua hoặc lấy khăn ướt nhúng nước biển phủ lên mình cua và để cua vào chỗ mát.
Nếu cần vận chuyển cua đi xa, bạn có thể đặt cua vào một cái thùng xốp có chứa nước muối loãng hoặc nước biển. Lưu ý đừng đổ nước ngập quá mặt cua nhé.
4. Chọn mực tươi ngon:
Mực có màu xanh hơi ngà là mực đã kém tươi, thịt nhão. Những con mực này thường có đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh. Tuyệt đối không nên mua những loại mực này.
– Nếu mua mực ống (loại mực thân cuộn tròn hình ống, hơi dài) nên chọn con thịt còn sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực còn nguyên.
– Nếu mua mực nang (loại mực thân to, dẹp, hình bầu), nên chọn con có màu trắng đục như cùi dừa, thịt chắc không bị nát, có lớp màng màu nâu bao phủ đều bên ngoài thân mực.
5. Cách phân biệt ngao tươi sống và ngao chết:
Bạn nên áp dụng cả ba cách: ngửi mùi, ngâm nước, nhìn vỏ để phân biệt. Rất khó phân biệt được ngao sống và chết vì cả hai trường hợp, ngao đều ngậm miệng, nhìn sơ qua khá giống nhau tuy nhiên bạn có thể lưu ý những điểm sau đây:
– Lưu ý những con ngao vỏ bị sứt vỡ chắc chắn là ngao hỏng, không nên chọn.
– Khi cảm thấy sọt ngao có mùi thối, thường chứa nhiều con chết bên trong, không nên mua.
– Nếu thả ngâm ngao trong nước 1-2 tiếng, ngao sẽ nhả cát ra. Quan sát thấy con nào không hề mở miệng để nhả cát tức là ngao đã chết.
6. Mẹo phân biệt sò huyết, sò lông, sò gạo:
Trong các loại sò, sò huyết là loại có giá trị dinh dưỡng cao nhất, rất bổ máu và tốt cho những người bị thiếu máu, phụ nữ mang thai. Đặc điểm nổi bật của sò huyết là có ruột có màu đỏ như máu, vỏ sò sậm màu. Khi dùng vật nhọn đâm vào phần thịt sò huyết, dịch phun ra có màu đỏ thẫm như máu, dịch của sò gạo và sò lông màu nhạt hơn. Sò huyết trưởng thành dài 5-6cm, rộng 4-5 cm. Giá của sò huyết thường cao gấp 2-3 lần sò gạo, sò lông nên khi mua các bạn nhớ lưu ý những điểm sau để tránh nhầm lẫn:
– Sò huyết rất dễ bị nhầm lẫn với sò gạo. Khi mua, bạn nên quan sát kỹ vì sò gạo lớn hơn sò huyết một chút, các đường rãnh trên vỏ sò gạo to hơn, vỏ sò gạo màu sáng hơn, miệng sò gạo không tròn như sò huyết mà hơi méo.
– Sò lông dễ phân biệt với sò huyết hơn nhờ có lớp lông phủ bên ngoài và hình dáng lớn hơn sò huyết.