Khi còn bé, tôi được dạy không bao giờ được cho đũa khoắng vào bát canh trên mâm, vì như vậy là mất vệ sinh. Thế nhưng thỉnh thoảng tôi lại nhìn thấy bà nội cho đũa vào bát canh trong mâm khoắng nhẹ một cái vào đầu bữa. Một hôm tôi hỏi ông: Vì sao bà được cho đũa vào bát canh hả ông? Ông trả lời: Vì bà già rồi, còn cháu là trẻ con. Tôi hỏi lại: Tại sao già thì được khoắng đũa vào bát canh còn trẻ con thì không? Ông cáu: Thôi ăn đi hỏi nhiều làm gì!
Câu chuyện nhỏ này không xảy ra ở riêng bữa cơm thơ ấu của tôi mà nó diễn ra hàng ngày ở rất nhiều gia đình. Chúng ta thường dạy trẻ con những điều tốt đẹp nhưng bản thân chúng ta thì làm ngược lại. “Con không được nói trống không”, nhưng chúng ta nói chuyện cộc lốc với nhau, và với con, cũng chẳng có chút tôn trọng. “Tại sao mày cứ khóc lóc mè nheo” nhưng chỉ cần trẻ khóc toáng lên là chúng ta nhân nhượng với bé.
Chúng ta quát nạt bé “Ai cho con đánh bạn”, “tại sao dám lườm ông” nhưng khi chúng ta không vừa lòng điều gì, thì chúng ta sẵn sàng phát cho trẻ vài cái, hoặc gườm gườm với chúng. Chúng ta nói với con “Con không được nói bậy nói láo” nhưng khi chở bé đi đường, có người tạt đầu xe, chúng ta văng tục ngay trước mặt trẻ. Vậy xét đến cùng, chúng học ai? Chúng hư là vì sao? Chẳng phải nhìn chúng, ta thấy chính gương mặt của mình đó sao?
Tôi từng nghe thấy một ông bố giải thích với con thế này khi con thắc mắc tại sao nó không thể làm được cái này cái kia: vì tao là bố mày, tao bảo không được là không được. Tôi thấy buồn và thương cho đứa trẻ đó biết bao. Nó được dạy dỗ và thuyết phục không phải bởi lí lẽ đúng sai, mà bằng sự áp chế về tinh thần. Vậy nó có nghe lời một ông bố như vậy không? Có trở thành một người hiểu biết hay không? Có biết tuân thủ nguyên tắc một cách tự nguyện hay không?
Tôi cũng từng chứng kiến những ông bố dùng con làm nơi trút giận của mình. Ông giận vợ cũng quay sang quát con, tức đồng nghiệp quay sang chửi con, thua game trong điện thoại quay sang cáu con. Con nghịch ông mắng, con làm việc lề mề không tập trung ông cũng mắng. Dù ông rất yêu con, rất thương con nhưng điều ông thiếu nhất có lẽ là kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân và sự tôn trọng tối thiểu cần có ở một người cha. Thật đáng thương cho đứa trẻ. Bé sẽ lớn lên như thế nào, tính cách ra sao trong một môi trường đầy sự hằn học và thiếu nhân văn như thế?
Đừng thắc mắc vì sao trẻ không nghe lời, trẻ bướng bỉnh hay là chống đối. Cũng đừng nghĩ rằng nó coi thường mình, không nghe mình. Việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là xem lại cách hành xử của mình với con.