Nhiều vụ việc xót xa do người mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh đã từng xảy ra. Mới đây nhất là vụ án gây chấn động xã hội, một người mẹ trẻ gây ra cái chết của con trai 35 ngày tuổi ở Hà Nội. Khoảng 2h đêm, bé khóc và được mẹ cho bú sau đó tiếp tục ngủ. Tuy nhiên, sau khi con ngủ, người mẹ thấy trong người rất khác lạ, khó chịu. Sau đó đã bế con ra gần cầu thang, thấy chậu nước đầy đã đặt con vào chậu trong tư thế úp mặt xuống nước. Đến sáng bé được người nhà phát hiện đã tử vong..
Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ án đau lòng này là do người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh nặng. Và có thể nhận thấy rất nhiều bình luận của các bà mẹ trẻ về vấn đề này chia sẻ rằng họ cũng đã trải qua những giây phút kinh khủng khi phải đối diện với chứng trầm cảm sau sinh. Những phụ nữ gặp chứng trầm cảm sau sinh – nếu không ý thức được sự nguy hiểm và bất ổn trong tâm lý của mình, rất có thể họ sẽ tự đưa bản thân vào ngõ cụt, kìm nén lâu ngày có thể bùng phát và tạo nên một bi kịch vô cùng đau đớn.
Có đến rất nhiều lý do để người mẹ sau sinh con rơi vào tình trạng trầm cảm như sợ hãi khi nghĩ đến hành trình làm mẹ đầy trách nhiệm phía trước, chưa sẵn sàng để từ bỏ đời sống cá nhân, mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, sự thay đổi nội tiết sau sinh. Trầm cảm sau sinh chính là sự giằng xé giữa niềm hạnh phúc sau khi sinh con mà người phụ nữ nghĩ rằng mình nên cảm thấy, và cơn trầm cảm tuyệt vọng mà mà mình đang thực sự cảm nhận.
Trầm cảm sau sinh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn tới loạn thần. Nó thường diễn ra trong vòng 3 tháng đầu sau sinh, khiến bệnh nhân không kiểm soát hành vi, xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói thì thầm trong đầu) và ảo giác. Các triệu chứng đi kèm bao gồm mất ngủ, tức giận, rối loạn nhịp tim, bồn chồn, hành vi cảm xúc bất thường.
Đôi khi, phụ nữ loạn thần sau sinh làm hại con mình vì cho rằng đó là cách bảo vệ đứa trẻ hoặc do tiếng nói, ảo ảnh nào đó ép buộc. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức. Một số ca phải nhập viện nếu có nguy cơ gây thương tích cho bản thân hoặc người khác.
Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau sinh:
– Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
– Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
– Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
– Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
– Yếu tố di truyền.
Dấu hiệu trầm cảm sau sinh:
– Suy nhược thể chất và tinh thần: Nhiều phụ nữ cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ. Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với mọi việc.
– Lo âu: Những mẹ suy yếu thường hay có nhiều mối lo, thường là về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó nhưng bác sĩ lại chẳng tìm ra nguyên nhân..
– Căng thẳng: căng thẳng và thiếu tự tin khi ra khỏi nhà. Thậm chí không muốn gặp gỡ bạn thân, từ chối trả lời điện thoại, tin nhắn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung. Trong trường hợp này, người mẹ thường không đến bác sĩ nên gia đình cần mời bác sĩ đến nhà.
– Hoảng hốt: Người mẹ có thể cảm thấy lo sợ, hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại.
– Cảm giác bị ám ảnh: Mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình có thể gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với con nhỏ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác day dứt. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ.
– Mất tập trung: Một người mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem TV hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ sao kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ.
– Rối loạn giấc ngủ: Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được tí gì. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.
Cách điều trị bệnh trầm cảm sau sinh:
– Hỗ trợ từ người thân: Bạn bè và gia đình rất quan trọng trong việc hỗ trợ mẹ bị trầm cảm sau sinh. Nếu thấy việc điều trị chưa hiệu quả thì phải động viên bệnh nhân trở lại khám bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người thân tin tưởng ở bên cạnh.
– Khám bác sỹ: Khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sanh thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà. Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho bác sĩ chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Nếu trầm cảm nhẹ thì việc tư vấn đơn thuần có thể giúp người bệnh vượt qua được. Nếu trầm cảm nặng thì thường kết hợp việc tư vấn và điều trị bằng.Tư vấn có thể mỗi tuần 1 lần hoặc hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm.
Ngăn ngừa chứng trầm cảm sau sinh:
– Người thân nên động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh.
– Trong thời gian mang thai hãy dành thời gian tìm hiểu về việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ sơ sinh.
ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE GIUPME.COM ĐỂ XEM VIDEO TIẾP THEO