“Chồng và vợ không cao, liệu bé có cao được không?” hay “Mọi người bảo: Con 1.5 tuổi nhìn tròn tròn, chắc lùn quá” hoặc “Bắp chân con to quá, chắc sau này nó lùn” hoặc “Con 10 tháng rồi mà chiều cao chưa đạt chuẩn, liệu có lùn không?” Đó là nổi lo của các bà mẹ trẻ khi gửi tin nhắn đến cho tôi – Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn chia sẻ.
Liệu thật sự bạn không thể cải thiện chiều cao cho con khi cha mẹ hơi thấp? Hay nhìn trẻ hơi lùn, bắp chân to là lớn bé sẽ lùn? Thực tế, chiều cao của trẻ không chỉ nằm ở bộ gien di truyền, mà nó có thể được chi phối bởi dinh dưỡng ĐỦ và ĐÚNG ở những thời điểm vàng. Đừng đánh giá bé lùn thấp qua bề ngoài như bắp chân to hoặc nhìn tròn tròn lùn thấp.
THỜI ĐIỂM VÀNG CHO TĂNG CHIỀU CAO Ở TRẺ
Nhiều cha mẹ quan tâm đến làm sao để bé cao tối đa, nhưng quên rằng chiều cao không như cân nặng, không phải ăn nhiều dư thừa thì sẽ tăng cao lên như việc tăng cân. Tăng trưởng chiều cao cần thời điểm, thời điểm đó có hội tụ đủ các yếu tố như nhân tố di truyền, nhân tố kích thích, hormone và các chất dinh dưỡng cần thiết. Như vậy, ngoài yếu tố di truyền và hormone (cái mà bạn không tác động được), bạn chỉ cần làm tốt 2 phần còn lại (yếu tố kích thích và chất dinh dưỡng) và sau đó chờ thời điểm vàng đến.
Trẻ có những thời điểm vàng để tăng chiều cao như sau:
* TỪ 3 THÁNG TUỔI – HẾT 2 TUỔI:
Cả bé trai và bé gái đều có thời điểm tăng trưởng vàng này về chiều cao. Dinh dưỡng là không được thiếu trong giai đoạn này, nếu thiếu hụt sẽ làm sự tăng trưởng chiều cao trẻ trì hoãn thêm 6 tháng sau đó. Nếu quá 6 tháng -từ khi bé đã 2 tuổi, bé vẫn có sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, mà không chú ý phục hồi hay bổ sung trước đó, sẽ làm trẻ mất cơ hội đạt chiều cao tối đa trong giai đoạn này.
Sau đó, từ 2-3 tuổi, chiều cao của trẻ sẽ tăng chậm
* TỪ 4 – 6 TUỔI:
Bé gái có 1 thời điểm vàng này là tăng nhanh. Nếu trước đó bé tăng chậm, hoặc biếng ăn dinh dưỡng không đủ thì cơ thể bé sẽ tăng bù vào thời điểm này, trung bình tăng 5-6 cm/năm. Nếu dinh dưỡng giai đoạn 1 tốt và chiều cao tăng ổn định thì bé gái sẽ tăng thêm 10-12 cm/2 năm này.
Bé trai thời điểm này là tăng bình thường, cũng không bù cho giai đoạn trước.
* GIAI ĐOẠN DẬY THÌ:
Bé gái từ 11 – 15 tuổi, Bé trai từ 13 – 17 tuổi. Trong giai đoạn này tốc độ tăng là cao nhất để đạt điểm gần cực đại (độ cao cuối cùng của trẻ sau này). Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời điểm rất dễ tăng cân, nếu bé gái hoặc bé trai mà bị thừa cân béo phì trong thời điểm này thì tốc độ tăng chiều cao cũng sẽ giảm đáng kể.
NHỮNG YẾU TỐ GIÚP BÉ ĐẠT CHIỀU CAO TỐI ĐA:
+ Bé nên duy trì bú mẹ hoàn toàn ít nhất là 6 tháng từ lúc mới sinh và kéo dài lâu nhất nếu có thể.
+ Bổ sung đủ vitamin D từ 1 tháng sau sinh.
+ Bắt đầu ăn dặm, bé nên được giới thiệu đa dạng và bổ sung 2 ngày/tuần thực phẩm giàu kẽm, canxi và vitamin A,B,C. Cha mẹ nên bổ sung canxi từ thực phẩm, không nên tự ý bổ sung thuốc canxi cho bé vì thường không mang kết quả tăng chiều cao so với canxi từ thực phẩm, mà còn có nguy cơ cao gây ra các vấn đề sức khỏe. Dư canxi có thể ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng và có tác dụng ngược lại là làm các bé “lùn” hơn.
+ Bé được khuyên ăn đủ 2 ngày cá (hồi/thu/lươn/chép)/tuần để duy trì chất béo omega-3 tốt cho bé.
+ Bé nên có giấc ngủ nguyên đêm. Ví dụ, Bé 4 tuổi, 1 ngày nên có 9-10 tiếng/ngủ đêm và 2-3 tiếng/ngủ ngày. (Đọc thêm bài giấc ngủ của tôi)
+Tốt nhất là không giới thiệu chất ngọt từ đường/kẹo/bánh/socola cho bé. Nếu cho bé ăn, giới hạn 2 thanh kẹo/ngày và tuần quy định chỉ cho bé ăn 3 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn quá nhiều đường thì liên quan đến sự “lùn” ở các bé.
+Trẻ từ tuổi dậy thì nên duy trì cân nặng phù hợp, hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ và đường. Phân bố thời gian học và nghỉ ngơi cho trẻ hợp lý, tránh để trẻ bị stress, ăn vô thức, dễ làm trẻ dư cân và tích trữ mỡ.
YẾU TỐ KÍCH THÍCH
+Bé từ 3 tháng -2 tuổi: Cha mẹ nên tương tác xã hội với bé, ít bế bồng bé khi bé phát triển kĩ năng bò trườn đi lại, dẫn bé đi công viên, chơi 1 số trò chơi ngoài trời
+Các bé 3-4 tuổi, cha mẹ chơi cùng bé các trò chơi vận động não bộ và chiều cao như một số bài viết trước tôi đã đề cập.
+Bé từ 4-5 tuổi được khuyên học bơi 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi, có thể tăng 3 buổi/tuần. Mỗi buổi không quá 60 phút. Cường độ như vậy sẽ phù hợp với phát triển xương cho bé và đủ cho thời gian kiến tạo xương mới.
NHỮNG YẾU TỐ LÀM BÉ “LÙN”
+ Ngồi máy tính/xem Tivi/chơi game >2.5 tiếng/lần. Tổng thời gian tiếp xúc với điện tử >4 tiếng/ngày.
+ Uống quá nhiều nước ngọt 1 lon (220ml)/ngày là quá nhiều cho bé dưới 12 tuổi. Bé dưới 12 tuổi chỉ nên tối đa 2 lon/tuần, tức là <65ml/ngày. Tốt nhất là không nên giới thiệu nước ngọt cho bé trước 5 tuổi.
Nguồn Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn