Lịch tiêm phòng cho trẻ em Việt Nam 2016 bởi Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em thế giới UNICEF. Lịch tiêm phòng cho trẻ được sắp xếp chi tiết, rõ ràng giúp mẹ dễ theo dõi nhất.
Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
– Vắc xin BCG ngừa bệnh lao. (càng sớm càng tốt sau khi sinh)
– Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh ngừa bệnh viêm gan B (càng sớm càng tốt sau khi sinh, trong vòng 24 giờ)
Lịch tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi
– Vắc xin Quinvaxem ngừa bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- và viêm phổi, viêm màng não ( Gồm 3 mũi, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng) – Mũi tiêm thứ 1.
– Vắc xin bại liệt OPV ngừa bệnh bại liệt (Gồm 3 liều, mỗi liều uống cách nhau 1 tháng) – Uống liều thứ 1.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi
– Vắc xin Quinvaxem ngừa bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- và viêm phổi, viêm màng não – Mũi tiêm thứ 2.
– Vắc xin bại liệt OPV ngừa bệnh bại liệt – Uống liều thứ 2.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 4 tháng tuổi
– Vắc xin Quinvaxem ngừa bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván-Viêm gan B- và viêm phổi, viêm màng não – Mũi tiêm thứ 3.
– Vắc xin bại liệt OPV ngừa bệnh bại liệt – Uống liều thứ 3.
* Cuối năm 2015/đầu năm 2016: một liều vắc xin bại liệt bất hoạt được sử dụng cho trẻ 4 tháng tuổi.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 9 tháng tuổi
– Vắc xin sởi ngừa bệnh sởi (Gồm 2 mũi. Mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 9 tháng) – Mũi tiêm thứ 1.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 18 tháng tuổi
– Vắc xin sởi ngừa bệnh sởi – Mũi tiêm thứ 2.
– Vắc xin tiêm nhắc bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT) ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà.
* Cuối năm 2015, vắc xin phối hợp sởi-rubella được tiêm thay thế vắc xin sởi đơn khi trẻ 18 tháng.
Lịch tiêm phòng cho trẻ 1 tuổi
– Vắc xin viêm não nhật bản ngừa bệnh Viêm não Nhật Bản (Gồm 3 mũi. Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 2 tuần, tiêm mũi thứ ba sau mũi thứ hai 1 năm.) – Mũi tiêm thứ 1.
Lịch tiêm phòng cho trẻ từ 2 – 5 tuổi
– Vắc xin Tả ngừa bệnh tả cho trẻ uống 2 liều (ở các vùng có nguy cơ dịch).
Lịch tiêm phòng cho bé từ 3 – 10 tuổi
– Vắc xin thương hàn ngừa bệnh thương hàn (ở các vùng có nguy cơ dịch).
Lịch tiêm phòng cho trẻ từ 9 tuổi
Chủng ngừa HPV (Gồm 3 mũi. Mũi thứ hai sau mũi tiêm thứ nhất 1-2 tháng, và mũi tiêm thứ 3 là sáu tháng sau mũi tiêm thứ nhất) : ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, ngoài ra loại vắc xin này có thể ngăn ngừa ung thư âm đạo và âm hộ ở phụ nữ, mụn cơm sinh dục và ung thư hậu môn ở cả nam và nữ.
Lưu ý khi trước khi tiêm ngừa cho trẻ
– Không nên cho bé ăn quá no hoặc quá đói trước khi tiêm phòng.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
– Mang theo sổ khám bệnh và thông báo trước cho nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe cũng như các bệnh mãn tính của bé, dị tật bẩm sinh, tiền sử dị ứng, và phản ứng của trẻ với những lần tiêm phòng khác.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi tiêm ngừa vaccin
– Sau khi tiêm ngừa, đa số các bé sẽ bị sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, có thể kéo dài khoảng 6-8 tiếng. Có thể cho bé uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc có thành phần aspirin hoặc axit salicylic, 2 thành phần này có thể kết hợp với thành phần thuốc trong vắc-xin gây ra phản ứng nghiêm trọng.
– Cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát, dùng khăn lau mát và chườm lạnh tại chỗ tiêm.
– Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục 39 độ, bỏ bú hoặc như quấy khóc nhiều, nên lập tức đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra.