Bắt đầu ăn dặm là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của bé, đây là thời điểm bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc, mùi vị, cấu trúc của thức ăn. Cơ hàm của bé cũng làm quen với việc nhai nuốt thức ăn và phát triển cứng cáp hơn. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn nhiều thắc mắc cho bé ăn dặm thế nào là đúng? Cách chọn thức ăn dặm theo độ tuổi của bé? Các mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc nhé.
TỪ BẮT ĐẦU ĂN DẶM – HẾT 6 THÁNG TUỔI:
Cấu trúc thức ăn dặm nên ở dạng mịn, rây nhuyễn, có độ loãng, nhiều nước. Cháo thì tỷ lệ 1:10 [ 1 muỗng gạo: 10 muỗng nước]. Thịt cá rau củ cũng xay nhuyển, mịn va rây. Nấu cháo đúng tỷ lệ trước, sau đó trộn chung với thức ăn.
TỪ 7 THÁNG TUỔI – HẾT 9 THÁNG TUỔI:
Cấu trúc thức ăn nên chuyển sang dạng cháo đặc hơn, ít loãng, có hình khối (không cần rây). Thịt cá rau củ xay nát (không cần rây).
TỪ 10 THÁNG TUỔI – HẾT 12 THÁNG TUỔI:
Cấu trúc thức ăn dặm nên là dạng cơm nát (cơm nấu dẻo (không quá sệt) cà nát bằng muỗng hoặc bằng tay). Thịt cá có thể cà nát bằng muỗng hoặc xé nát bằng tay. Rau củ thì cắt nhỏ, lát mỏng.
BÉ 8 – HẾT 12 THÁNG:
Cấu trúc thức ăn nên chuyển sang cho bé tập bốc tay thức ăn và cơm/bún có thể xoe viên hoặc vẫn giữ cấu trúc cà nát. Tuy nhiên, ở độ tuổi này nên lựa chọn đa dạng các thực phẩm.
Đừng quá kì vọng trong vài tuần đầu bé ăn nhiều, bé đang học cấu trúc và mùi vị là chính, nên chủ yếu bé sẽ chơi nhiều hơn là ăn. Do đó, việc ném nhả thức ăn đầy bàn là bình thường. Cha mẹ có thể tăng nhiều bữa ăn cho bé để bé có nhiều cơ hội ăn và khám phá nhiều hơn.
Cấu trúc thức ăn cho bé bốc tay có thể biến tấu tạo cảm giác giòn từ cá chiên, tôm chiên hoặc khoai tây cắt khoan chiên (không dùng bánh snack). Cấu trúc này sẽ giúp các bé tập trung và thích nhai hơn vì tạo cảm giác giòn và nghe vui tai khi các bé cắn vỡ. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng và chỉ giới thiệu 1 bữa/ngày (nếu ăn ngày 2 hoặc 3 bữa).
Bé có thể tự học hỏi từ các thành viên khác trong gia đình và khám phá thức ăn theo cách riêng, nhưng sẽ bắt chước cách ăn của cha mẹ. Do đó, bữa ăn của bé nên ăn cùng thời điểm với bữa ăn của cha mẹ, nên bắt ghế ăn dặm bé gần để bé có thể nhìn thấy cách ăn của cha mẹ để bé tự ăn và học hỏi. Thời gian đầu mẹ nên ăn sau, chỉ có bố hoặc ông bà ăn thôi, mẹ hướng dẫn và quan sát bé. Lưu ý, bữa ăn không nên quá chú ý vào bé, cha mẹ ông bà cứ ăn bình thường, đừng quá tập trung khen chê bé quá nhiều. Việc quá tập trung vào bé sẽ gây bé mất tập trung ăn gây phản tác dụng.
LƯU Ý KHI CHO BÉ ĂN DẶM
+ Không nên ăn dặm trước 5.5 tháng tuổi vì ăn dặm sớm sẽ làm bé biếng ăn và dễ bị viêm da dị ứng.
+ Hãy bắt đầu bằng cháo, chuối, bơ hoặc cà rốt nghiền với sữa (nếu cần). Và thịt heo/bò là ở tuần thứ 2 ăn dặm.
+ Khi đến độ tuổi thì chuyển dần sang cấu trúc mới cho bé, Cho bé 2 tuần chuyển tiếp để bé thích nghi, đừng quá khắt khe.
+ Giai đoạn chuyển tiếp bé sẽ ăn ít hơn, cha mẹ cũng chú ý lượng ăn trong giai đoạn chuyển tiếp, đừng cố cho bé ăn như lượng trước đó, khi bé quen cấu trúc mới thì tăng lượng lại như ban đầu.
+ Khi giới thiệu cấu trúc mới, cha mẹ nấu riêng để bé dễ cảm nhận cấu trúc mới và mùi vị. Khi đã quen thì có thể trộn đa dạng.