Mẹ phải làm gì khi bé bú lắt nhắt?

bé bú mẹ

Có nhiều mẹ thắc mắc: “Bé đòi bú liên tục suốt cả buổi chiều. Thế có phải là do mẹ không đủ sữa không?” Thực tế, việc em bé, đặc biệt là các bé còn nhỏ, bú lắt nhắt là việc rất bình thường. Bé được coi là bú lắt nhắt khi bé đòi bú thường xuyên hoặc liên tục trong một khoảng thời gian hoặc vài tiếng đồng hồ.

Điều này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng phổ biến hơn vào buổi chiều, khi em bé bú liên tục khiến cho ngực mẹ có cảm giác như “trống trơn”. Khi điều này xảy ra, rất dễ hiểu khi người mẹ cảm thấy lo lắng rằng mình sản xuất không đủ sữa cho con nên bé bú lắt nhắt. Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Hartmann, chuyên gia nghiên cứu về nuôi con sữa mẹ thuộc trường đại học Tây Úc, đã khẳng định trong số những người phụ nữ mà tiến sĩ này đã nghiên cứu, sản lượng sữa của người mẹ KHÔNG HỀ XUỐNG THẤP vào thời điểm này. Ngay cả nếu lượng sữa của mẹ có xuống thấp thật, thì khi đó lượng chất béo trong sữa mẹ sẽ tăng lên (nếu em bé được cho bú theo nhu cầu), và do vậy năng lượng mà em bé nhận được không có gì thay đổi.
Vậy mẹ phải làm gì khi bé đòi bú lắt nhắt?
HÃY TẠM NGHỈ
Khi bé đã bú liên tục và bạn bắt đầu cảm thấy “cạn sữa”, giải pháp là đưa bé cho chồng nếu anh ấy ở đó, ăn hay uống một cái gì đó, hoặc đi tắm để thư giãn. Chồng bạn không có mùi sữa nên bé sẽ bớt quấy hơn và bạn có thể nghỉ xả hơi một chút. Sau đó bạn quay lại, cho bé bú, và bé sẽ “bình tĩnh” bú hơn.
CHUẨN BỊ ĂN UỐNG LÀNH MẠNH CHO BUỔI TRƯA VÀ BUỔI CHIỀU
Cách tốt nhất để tăng sản lượng sữa cho buổi chiều là chuẩn bị trước: ngủ một giấc khi bé ngủ giấc chiều để bạn không kiệt sức vào lúc chập tối, đảm bảo là bạn đã ăn một bữa trưa lành mạnh và một bữa chiều lành mạnh. Tầm ngang chiều là thời gian rất dễ sa đà vào những món ăn vặt không tốt: đó là khi lượng đường trong máu bạn giảm và năng lượng dự trữ đã hết vì thế bạn sẽ thèm món gì đó như socola hoặc caffein. Những món đó sẽ tiết vào trong sữa và đóng góp vào việc khiến cho bé càng khó thư giãn vào lúc chập tối và khiến bé bú lắt nhắt.
Để tránh sa đà vào những món ăn vặt không lành mạnh lúc ngang chiều, hãy trữ sẵn một vài món như mấy quả trứng luộc, mấy quả bơ, cá ngừ, cá hồi xông khói, bánh quy và sốt chấm, và uống thật nhiều nước.
Bé bú lắt nhắt phải làm sao?
Bé bú lắt nhắt phải làm sao?
CHO CON BÚ THEO NHU CẦU
Mỗi khi bé đòi bú, hãy cho bé bú. Điều này sẽ giúp gửi tín hiệu tạo sữa cho bầu vú. Và ngược lại, nếu bạn “dặm” thêm chút sữa công thức, sẽ mất đi cơ hội gửi tín hiệu này cho bầu vú và thế là lượng sữa giảm – vậy là bạn phải cho bé dùng sữa công thức ngày một tăng, cho đến khi thật buồn là bé sẽ bắt đầu thích tốc độ sữa xuống nhanh của cái bình hơn và cùng lúc hai bầu vú bạn không còn đủ sữa để thoả mãn bé nữa, bé sẽ tự cai sữa sớm. Mà vấn đề là cho dù bạn có “dặm” thêm cho bé sữa công thức đi nữa thì bé cũng vẫn quấy thôi. Bên cạnh những nguy cơ về sức khoẻ và dị ứng do cai sữa mẹ sớm, nghiên cứu cho thấy những người mẹ “dặm” thêm sữa công thức cho con vào buổi chiều sẽ khiến bé ngủ ít hơn trung bình 45 phút vào buổi tối – như vậy dặm sữa công thức không phải là giải pháp tốt, nếu bạn muốn được nghỉ ngơi.
LIỆU CÓ PHẢI BÉ ĐÓI KHÔNG? HAY CÓ VẤN ĐỀ GÌ KHÁC?
Một ý rất đáng cân nhắc là việc bé quấy khóc vào buổi chiều và bé bú lắt nhắt có thể không hoàn toàn là vì bé đói. Thay vào đó, rất có thể đấy là cách bé tự vỗ về hệ thần kinh còn non nớt của mình sau một ngày dài “bận rộn” với thế giới quá rộng lớn bên ngoài bụng mẹ. Theo Tiến sĩ Katherine Dettwyler (người đã làm nghiên cứu về nuôi con sữa mẹ ở những xã hội còn mang nhiều truyền thống), các em bé ở Mali và Tây Phi và những xã hội còn nặng tính truyền thống khác không hề quấy khóc vào buổi chiều. Những em bé này được bế/địu suốt cả ngày và được bú mẹ đến vài lần trong một tiếng. Cũng có bằng chứng cho thấy những em bé mà ban ngày được bế ẵm nhiều hơn sẽ quấy khóc ít hơn vào buổi chiều. Có lẽ việc địu hoặc bế bé vào ban ngày đã giúp trấn an hệ thần kinh non nớt của bé và giúp hai mẹ con có một buổi chiều thanh thản hơn.
HÃY ÔM CON!
Bất kể bạn đang cảm thấy lo lắng về lượng sữa của mình hay cảm thấy bé đang bị kích động quá mức, một trong những cách tốt nhất để “gọi sữa về” và trấn an tinh thần bé là hãy ôm bé vào lòng và da tiếp da – hãy thư giãn trong một căn phòng yên tĩnh, vặn ánh sáng nhẹ, mở hết áo ra và ôm lấy bé – bé chỉ cần mặc tã. Điều này sẽ khiến hormone của bạn tăng nhanh, bạn sẽ nhận ra từng dấu hiệu tinh tế của bé khi bé đói, và bằng việc cho bé được mò đến vú mẹ bất cứ lúc nào và được bú bất kể khi nào bé muốn, bé sẽ cảm thấy dễ chịu, thư giãn và an toàn, và cơ thể bạn sẽ được kích thích tạo thêm nhiều sữa.
Tin tốt là, những bé bú lắt nhắt sau đó sẽ thường ngủ một giấc dài, cho dù bé có thể đòi bú lắt nhắt bất kể lúc nào trong ngày. Nếu chiều nào bạn cũng thấy mình ngồi trên ghế với một em bé đang đậu ở ngực, hãy nghĩ rằng bạn đang tích luỹ cho bé có được một giấc ngủ ngon. Và như thế bạn cũng đang kích thích lượng sữa của mình cho ngày hôm sau. Khi gặp khó khăn, hãy tự nhủ “Điều này rồi cũng sẽ qua thôi”. Và thường là giai đoạn đó sẽ chấm dứt, vào khoảng lúc bé được 3 tháng tuổi.

Related posts